Nếu như bạn quan tâm đến lĩnh vực xuất nhập khẩu thì chắc hẳn bạn nên biết rõ Bill of Lading là gì? Đây là một loại chứng từ vận chuyển hàng hóa đường biển rất quan trọng trong bộ hồ sơ xuất hàng hoặc nhập hàng tại hải quan. Trong bài viết này hãy cùng Tesla Express tìm hiểu chi tiết về vận đơn đường biển BL, nội dung bên trong, phân loại và quy trình lập vận đơn B/L.
Vận đơn đường biển B/L Bill of Lading là gì
Bill of Lading (B/L hay còn gọi là vận đơn đường biển), là một loại chứng từ vận tải hàng hóa bằng tàu biển cực kỳ quan trọng, do bên vận chuyển (carrier) ký và phát hành cho bên gửi hàng (shipper) sau khi hàng hóa được giao đến cho người nhận (consignee) hoặc được sắp xếp lên tàu.
Tờ vận đơn đường biển BL thường đóng vai trò làm bằng chứng hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, BL có trọng khách như một loại chứng từ sở hữu hàng hoặc liên quan đến lô hàng hóa đó, cho phép người cầm vận đơn được nhận hàng tại điểm đến một cách hợp lệ.
Trong giao thương vận tải hàng hải quốc tế, Bill of Lading còn có đóng nhiều vai trò khác, như:
- Làm chứng từ bắt buộc trong vận tải biển: Không có Bill of Lading là gần như không thể giao nhận hàng hóa ở cảng đến.
- Làm nền tảng pháp lý ràng buộc giữa các bên liên quan: shipper (người gửi), carrier (người vận chuyển) và consignee (người nhận).
- Làm thành phần quan trọng trong bộ chứng từ thanh toán quốc tế: Đặc biệt nếu sử dụng phương thức L/C (thư tín dụng) thì BL là giấy tờ phải có. Ngân hàng chỉ thanh toán khi nhận đủ bộ chứng từ, trong đó vận đơn Bill of Lading là yêu cầu bắt buộc.
- Làm bằng chứng quan trọng trong tranh chấp: Trong trường hợp hàng hóa xảy ra mất mát, hư hỏng, hoặc chậm trễ, BL sẽ được sử dụng làm căn cứ để khiếu nại.
Chức năng của Bill of Lading BL là gì trong xuất nhập khẩu
Bill of Lading B/L có 3 chức năng cốt lõi trong giao thương xuất nhập khẩu, cụ thể:
- BL sẽ làm biên lai nhận hàng (Receipt of Goods): Hãng tàu hoặc đại lý vận tải sẽ cấp phát vận đơn để xác nhận đã nhận hàng từ người gửi. Nghia là bên nhận vận chuyển cũng sẽ xác nhận việc kiểm tra trạng thái hàng (số lượng – chất lượng) và thời gian giao nhận. Ví dụ: Nếu vận đơn ghi “Clean on Board”, tức là hàng đã được nhận lên tàu và ở trạng thái tốt – đây cũng là yêu cầu bắt buộc khi thanh toán theo L/C.
- BL làm bằng chứng hợp đồng vận chuyển (Evidence of Contract of Carriage): Vận đơn là bằng chứng rõ ràng về việc hai bên đã đạt thỏa thuận vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Ví dụ: Trên mỗi BL thường ghi “subject to the terms and conditions printed on the reverse side” – nghĩa là người sử dụng BL cần đọc kỹ các điều khoản đi kèm.
- BL làm chứng từ sở hữu hàng hóa (Document of Title): Đây là chức năng quan trọng nhất và là điểm phân biệt giữa BL với các chứng từ vận tải khác như Air Waybill (AWB)… Việc chứng minh được tính sở hữu hàng hóa bằng chứng từ BL sẽ giúp việc mua bán trao đổi thuận lợi hơn thông qua cách chuyển nhượng endorsement…
Phân loại vận đơn Bill of Lading phổ biến

Trong thực tiễn xuất nhập khẩu, Bill of Lading (B/L) có nhiều hình thức khác nhau, được phân loại dựa trên mục đích sử dụng, tính pháp lý, phương thức vận chuyển, người phát hành…
Loại vận đơn BL theo khả năng chuyển nhượng Negotiability
- Vận đơn đích danh (Straight B/L): Đây là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng và không thể chuyển nhượng bằng cách ký hậu. Hàng hóa chỉ có thể giao đúng cho người được ghi tên trên vận đơn. Cách sử dụng trong giao dịch nội bộ, giữa các bên tin tưởng nhau, không có nhu cầu mua bán lại hàng hóa khi đang trên đường vận chuyển.
- Vận đơn theo lệnh (Order B/L): Đây là loại phổ biến nhất trong thương mại quốc tế, cấu trúc nội dung cơ bản sẽ gồm có “To Order”, “To order of Shipper”, và “To order of Bank”. Loại vận đơn này có thể chuyển nhượng bằng cách ký hậu Endorsement, thuận tiện cho việc mua bán hàng trong quá trình vận chuyển hoặc dùng trong thanh toán L/C.
- Vận đơn vô danh / vận đơn cho người cầm (Bearer B/L): Vận đơn mà không ghi tên người nhận, hoặc ghi là “To Bearer” nghĩa là bên nào nắm giữ bản Bill of Lading gốc thì sẽ là người có quyền nhận hàng. Loại vận đơn này rất hiếm khi sử dụng do rủi ro cao, khó kiểm soát quyền sở hữu, không phù hợp với thanh toán L/C.
Loại vận đơn BL theo tình trạng sắp xếp hàng hóa trên tàu
- Vận đơn đã xếp hàng (Shipped on Board B/L): BL dạng này nghĩa là xác nhận rằng hàng hóa đã được xếp lên tàu thực tế. Đây là loại vận đơn bắt buộc trong thanh toán L/C, do ngân hàng cần bằng chứng hàng đã được giao cho người vận chuyển.
- Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for Shipment B/L): Bill of lading loại này chỉ xác nhận rằng người vận chuyển đã nhận hàng vào kho bãi, nhưng chưa chắc đã lên tàu. Thường dùng khi chưa có lịch tàu cụ thể hoặc dùng trong vận tải nội địa/ngắn hạn. Khi hàng được xếp lên tàu, hãng vận chuyển có thể cập nhật lại thành Shipped B/L.
Loại vận đơn Bill of Lading theo ghi chú hàng hóa
- Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L): nếu trên tờ vận đơn được ghi là Clean BL nghĩa là không có ghi chú xấu (no adverse remarks) về tình trạng hàng hóa, bao bì, hoặc cách đóng gói. Đây cũng là loại vận đơn đường biển duy nhất được ngân hàng chấp nhận trong thanh toán L/C.
- Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L / Clause B/L / Foul B/L): Nếu trên tờ vận đơn có các phê chú bất lợi (“Packing torn”, “Drums rusty”, “Broken cases”,.. ) thì nghĩa là người mua và ngân hàng (thanh toán bằng LC) có thể từ chối thanh toán.
Loại vận đơn Bill of Lading theo người phát hành
- Vận đơn chủ (Master B/L – MBL): Đây là loại Bill of Lading do hãng tàu phát hành cho người gửi hàng trực tiếp (có thể là forwarder). Dùng trong vận chuyển quốc tế chính thống, thể hiện rõ ràng quan hệ giữa shipper – carrier – consignee.
- Vận đơn nhà (House B/L – HBL): Do forwarder phát hành cho người gửi hàng thực tế (chủ hàng). Dùng trong các lô hàng gom hàng (consolidation), thể hiện trách nhiệm của forwarder với shipper. Trong trường hợp này, forwarder sẽ nhận MBL từ hãng tàu và tự phát hành HBL cho khách.
Loại vận đơn đường biển theo phương thức vận chuyển
- Vận đơn đi thẳng (Direct B/L): Vận đơn này thể hiện rằng hàng hóa sẽ đi từ cảng xuất phát đến cảng đích một mạch, không chuyển tàu. Lợi ích của loại vận đơn này là rút ngắn thời gian, giảm rủi ro hư hỏng/mất mát do ít điểm dừng.
- Vận đơn chở suốt (Through B/L): Bill of Lading loại này thể hiện rằng hàng hóa sẽ được chuyển tải (transshipment) qua một hoặc nhiều tàu khác nhau. Bên nhận hàng sẽ cần lưu ý thời gian vận chuyển có thể dài hơn, và phải theo dõi kỹ hành trình hàng.
- Vận đơn đa phương thức (Multimodal B/L / Combined B/L): Hàng hóa được vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau (ví dụ: biển + bộ, biển + đường sắt…).
Các hình thức vận đơn đường biển đặc biệt liên quan đến việc nhận hàng
- Vận đơn gốc (Original B/L): Đây là bản Bill of Lading gốc (thường sẽ có 3 bản chính), cần xuất trình ít nhất 1 bản gốc mới được nhận hàng. Loại BL này được dùng rộng rãi, đảm bảo được tính pháp lý và khả năng kiểm soát quyền sở hữu hàng hóa.
- Vận đơn đã giao nộp (Surrendered B/L): Người gửi hàng nộp lại B/L gốc cho hãng tàu tại cảng đi. Hãng tàu sẽ đánh dấu “Surrendered” và thông báo cho đại lý ở cảng đích để người nhận không cần xuất trình B/L gốc nữa. Loại BL này sẽ giúp nhận hàng nhanh, phù hợp khi người mua và người bán đã tin tưởng.
- Giấy gửi hàng đường biển (Seaway Bill – SWB): Đây là loại chứng từ vận tải, nhưng không có chức năng sở hữu hàng hóa. Không thể chuyển nhượng, không cần B/L gốc. Loại này phù hợp với giao dịch nội bộ, nội địa, hoặc giữa các bên quen thuộc nên rất tiết kiệm thời gian.
- Telex Release: Là hình thức điện tín/email xác nhận rằng vận đơn gốc đã được giao nộp tại cảng đi. Hãng tàu sẽ gửi Telex Release đến đại lý tại cảng đến để cho phép giao hàng mà không cần vận đơn gốc. Loại này gần giống với Surrendered B/L nhưng xử lý qua hệ thống điện tử thay vì đóng dấu trực tiếp.
Cấu trúc nội dung chính bên trong Bill of Lading

Tùy theo từng loại vận đơn và hãng tàu/forwarder phát hành, nội dung trong mẫu B/L có thể có chút khác biệt, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các nội dung chính như sau:
- Thông tin Shipper (Người gửi hàng): Đây là tên của bên xuất khẩu, người giao hàng cho hãng tàu hoặc forwarder. Thông tin này cần chính xác để xác định trách nhiệm, quyền lợi và liên hệ trong quá trình vận chuyển. Trong trường hợp sử dụng House BL, Shipper có thể là công ty logistics (forwarder).
- Thông tin Consignee (Người nhận hàng): Là người được nhận hàng tại cảng đến. Có thể thể hiện theo ba cách: Ghi cụ thể tên công ty/ cá nhân nhận hàng; ghi “To order” (theo lệnh) để dùng trong các giao dịch thương mại quốc tế có thanh toán L/C; và ghi
“To order of [Bank/Shipper]” nếu quyền nhận hàng dành cho ngân hàng hoặc người gửi. - Thông tin Notify Party (Bên được thông báo hàng đến): Đây là bên được hãng tàu/forwarder liên hệ khi hàng cập cảng. Có thể là chính bên người nhận Consignee hoặc là một bên khác (ví dụ: đại lý khai thuê hải quan, kho nhận hàng…). Điền mục này sẽ giúp luân chuyển thông tin hàng hóa nhanh và thuận tiện hơn.
- Tên tàu và số chuyến (Vessel & Voyage No.): Thông tin này trên BL sẽ cho biết con tàu cụ thể và hành trình mà hàng được vận chuyển. Điều này là đặc biệt quan trọng để tra cứu lịch trình, theo dõi hàng hóa và làm thủ tục hải quan, nên bạn hãy kiểm tra kỹ.
- Cảng xếp hàng (Port of Loading – POL): Chỗ này ghi thông tin cảng mà hàng hóa được xếp lên tàu. Đây cũng là điểm bắt đầu tính thời gian vận chuyển chính, dùng để xác định trách nhiệm và chi phí liên quan trong hợp đồng.
- Cảng dỡ hàng (Port of Discharge – POD): Chỗ này sẽ ghi cảng mà hàng hóa sẽ được dỡ xuống khỏi tàu. Đây là địa điểm giao hàng theo điều kiện FOB/CFR/CIF… trong Incoterms.
- Địa điểm nhận hàng (Place of Receipt): Thông tin này được sử dụng trong các vận đơn kết hợp hoặc đa phương thức, mang ý nghĩa là địa điểm đầu tiên mà hãng vận tải nhận hàng từ người gửi (có thể là kho nội địa). Thông này thường được ghi theo dạng House Bill of Lading.
- Nơi giao hàng cuối cùng (Place of Delivery): Cũng là thông tin được sử dụng trong vận đơn đa phương thức. Cho biết địa điểm cuối cùng mà hãng vận chuyển giao hàng cho người nhận. Thường là kho, bãi nội địa, chứ không phải cảng.
- Mô tả hàng hóa (Description of Goods): cũng giống như Packing List, chỗ này sẽ ghi các thông tin bao gồm: tên hàng, ký mã hiệu, loại bao bì, số lượng kiện, trọng lượng tịnh và trọng lượng cả bì, thể tích (CBM). Đây là phần đặc biệt quan trọng để kiểm đếm, làm hải quan và xác định trách nhiệm khi có tranh chấp.
- Số container, số chì (Container No./Seal No.): Cho biết mã số container và số niêm phong chì của hãng vận chuyển hoặc hãng kiểm định độc lập. Đây là thông tin kỹ thuật, có vai trò đảm bảo tính nguyên trạng của hàng hóa khi giao nhận.
- Cước phí và chi phí (Freight & Charges): Phần này sẽ thể hiện hình thức thanh toán cước phí, gồm có 2 loại là Prepaid hoặc Collect. Prepaid là cước đã được thanh toán tại cảng đi, người gửi hàng trả. Collect là cước sẽ được thanh toán tại cảng đến, người nhận hàng trả. Ngoài ra, bạn có thể điền thêm thông tin về phụ phí (local charges, THC, CIC, D/O…).
- Số lượng bản B/L gốc được phát hành (Number of Original B/Ls): Thường là 3 bản gốc, đánh số 1/3, 2/3, 3/3. Khi một bản đã được sử dụng để nhận hàng, các bản còn lại mất hiệu lực. Việc quản lý số bản gốc rất quan trọng để tránh rủi ro nhận hàng trái phép.
- Ngày và nơi phát hành B/L (Date and Place of Issue): Bạn sẽ ghi rõ ngày và địa điểm mà hãng vận chuyển hoặc forwarder phát hành vận đơn. Đây là căn cứ để tính thời gian vận chuyển, thời hạn thanh toán L/C và truy cứu trách nhiệm pháp lý.
- Chữ ký của người vận chuyển hoặc đại diện: Đây là phần xác nhận cuối cùng tính pháp lý của vận đơn Bill of Lading. Người ký có thể là hãng tàu hoặc đại lý được ủy quyền. Trong House B/L, forwarder sẽ là người ký phát hành. Phần này sẽ nằm ở đoạn On behalf of trên Bill Of Lading.
Quy trình phát hành Bill Of Lading trong thực tế
Dưới đây là quy trình các bước phát hành Vận đơn BL trong xuất nhập khẩu quốc tế cơ bản:
- Bước 1: Người gửi hàng (Shipper) bàn giao hàng cho hãng tàu hoặc forwarder: Hàng hóa được giao tại kho CFS hoặc container được kéo về cảng để xếp lên tàu.
- Bước 2: Shipper cung cấp thông tin vận đơn (Shipping instruction – SI): Bao gồm: tên hàng, số lượng, cảng đi, cảng đến, người nhận (Consignee), Notify party, yêu cầu vận đơn (Surrender, Original, Seaway…) v.v.
- Bước 3: Forwarder hoặc hãng tàu nhập liệu, soạn thảo bản nháp B/L (Draft B/L): Đây là bản nháp để shipper kiểm tra lại trước khi phát hành chính thức.
- Bước 4: Shipper kiểm tra, xác nhận bản nháp vận đơn (Draft confirmation): Nếu đúng, họ xác nhận để phát hành. Nếu sai, sẽ yêu cầu chỉnh sửa.
- Bước 5: Hàng được xếp lên tàu và xác nhận “Shipped on Board”: Hãng tàu hoặc đại lý xác nhận thời điểm hàng đã được xếp và ngày tàu chạy.
- Bước 6: Hãng tàu/forwarder phát hành Bill of Lading chính thức: Phát hành bản gốc (Original B/L) hoặc thông báo Telex Release/Surrendered tùy yêu cầu.
- Bước 7: Bàn giao vận đơn cho shipper: Nếu là Original B/L, thường có 3 bản gốc và vài bản copy được gửi cho shipper qua chuyển phát nhanh hoặc gửi ngân hàng nếu thanh toán L/C.
- Bước 8: Shipper gửi B/L cho Consignee hoặc ngân hàng để nhận hàng tại cảng đến: Tùy theo điều kiện thanh toán (T/T, L/C…), người nhận phải có B/L gốc hoặc có xác nhận Surrender để lấy hàng.
Các bước xử lý trên cũng là các bước quy trình phát hành BL tại công ty Tesla Express cho một số khách hàng xuất khẩu ra nước ngoài.
Những lưu ý quan trọng khi làm vận đơn Bill of Lading
Khi làm vận đơn đường biển (B/L), dù là Master B/L hay House B/L, người làm chứng từ cần hết sức cẩn trọng để tránh rủi ro không đáng có, nhất là trong các giao dịch thanh toán quốc tế hoặc giao hàng theo L/C. Dưới đây là những điểm đặc biệt cần lưu ý khi lập vận đơn B/L:
- Thông tin phải chính xác và đồng nhất: Một số thông tin trong BL phải giống với các chứng từ khác trong bộ chứng từ xuất nhập khẩu: Invoice, Packing List, L/C (nếu có), CO, Fumigation… Ví dụ: nếu tên Consignee trong Invoice là “ABC Co., Ltd” thì trong B/L cũng phải đúng như vậy, không thể là “ABC Company”.
- Phân biệt rõ giữa Shipped on Board và Received for Shipment: Nếu giao hàng theo L/C, ngân hàng thường yêu cầu vận đơn loại “Shipped on Board” kèm theo ngày xếp hàng cụ thể, do đó cần kiểm tra kỹ loại vận đơn được phát hành.
- Không nên phát hành B/L quá sớm hoặc quá muộn: Nếu phát hành Bill of Lading khi chưa giao hàng thật sự thì rủi ro mất kiểm soát hàng hóa; nếu phát hành BL quá muộn thì có thể ảnh hưởng đến thời hạn thanh toán hoặc thông quan tại cảng đến.
- Số lượng bản gốc BL phải quản lý chặt: Tránh thất lạc hoặc gửi sai người. Trong một số trường hợp, chỉ cần 1 bản gốc có chữ ký hợp lệ là người cầm có quyền nhận hàng. Nếu để lọt bản gốc vào tay người không có quyền, rất dễ bị lấy mất hàng.
- Lựa chọn hình thức vận đơn phù hợp với điều kiện giao hàng và thanh toán. Hiểu đơn giản là nếu không cần chuyển nhượng hoặc giao dịch nội bộ, nên dùng Seaway Bill hoặc Surrendered BL để tránh rủi ro và đỡ mất thời gian hơn là dùng BL gốc.
- Không tùy tiện ký hậu (Endorsement): Bạn không nên ký hậu vận đơn Endorsement nếu không hiểu rõ rủi ro pháp lý. Bởi vì việc ký hậu đồng nghĩa với việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa, mà cần có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan khác.
Các câu hỏi liên quan về vận đơn Bill of Lading FAQ

Vận đơn là gì có phải là Bill of Lading không?
Vận đơn chính là Bill of Lading, đây là loại chứng từ chỉ dùng trong vận chuyển đường biển. Tại Tesla Express, chúng tôi thường thấy có rất nhiều khách hàng muốn gửi hàng đi châu Âu bằng đường biển, nên sẽ phải chuẩn bị loại giấy tờ vận đơn hàng hải này.
Bill of Lading do ai phát hành?
Thông thường Bill of Lading là do bên vận chuyển hoặc đại lý hãng tàu phát hành tùy theo một số trường hợp. Ví dụ Master B/L là do hãng tàu phát hành cho forwarder. House B/L là do forwarder hoặc công ty logistics phát hành, thường phát cho chủ hàng.
Ký hậu vận đơn (Endorsement) là gì?
Ký hậu vận đơn Endorsement là hành động người cầm vận đơn ký vào mặt sau của B/L để chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người khác. Hành động này thường dùng trong các B/L “To order” hoặc “To order of [Bank/Shipper]”. Tuy nhiên, việc ký hậu phải được thực hiện cẩn trọng, vì ai cầm vận đơn có ký hậu hợp lệ sẽ có quyền nhận hàng.
Bill of Lading có mất phí không?
Có, nhưng mức phí sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và đơn vị phát hành. chẳng hạn như Phí phát hành vận đơn (Bill of Lading Fee) thường giao động từ 30-50 USD/ lô hàng (tùy vào hãng). Tương tự như phí sửa vận đơn Amendment Fee, phí chuyển đổi hình thức Switch B/L Free…. Nếu bạn quan tâm đến các loại phí thì hãy tham khảo bài viết các loại phụ phí phổ biến trong xuất nhập khẩu của Tesla Express.
Mất vận đơn gốc (Original B/L) thì phải làm sao?
Nếu không may mất thì người gửi cần phải thông báo ngay cho hãng tàu/forwarder để khóa vận đơn; cung cấp bảo lãnh ngân hàng (Bank Guarantee) hoặc bảo lãnh bằng văn bản có công chứng; và xin hãng tàu phát hành bản thay thế hoặc làm thủ tục “Telex Release” nếu được.
Bill of Lading được phát hành khi nào?
Thông thường, Bill of Lading được phát hành sau khi hàng đã được xếp lên tàu (với “Shipped on Board B/L”) hoặc ngay sau khi hãng tàu nhận hàng (với “Received for Shipment B/L”). Ngày phát hành có thể được ghi “backdated” (lùi ngày) trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng điều này phải được kiểm soát cẩn thận để tránh vi phạm các điều khoản thư tín dụng L/C.
Hủy ký Bill of Lading có được không?
Bạn không thể hủy chữ ký hoặc nội dung vận đơn sau khi đã phát hành gốc. Nếu có sai sót trong quá trình lập BL thì bạn hãy yêu cầu hãng tàu hủy vận đơn cũ và phát hành bản mới. Trong trường hợp bản gốc đã bị in ra và gửi đi, việc sửa đổi đòi hỏi thu hồi tất cả các bản gốc và xác nhận giữa các bên liên quan.
B/L no là gì?
B/L No hay Bill of Lading Number có nghĩa là số hiệu vận đơn – tức là mã định danh duy nhất được hãng tàu hoặc forwarder cấp cho từng vận đơn.
Bill of Lading (B/L) khác Air Waybill (AWB) như thế nào?
Bill of Lading BL là vận đơn chuyên dùng cho vận tải đường biển, còn Airway Bill AWB là vận đơn dùng trong vận tải hàng không. Điểm khác biệt quan trọng nhất là BL có thể làm chứng từ sở hữu, có thể chuyển nhượng bằng ký hậu; còn AWB chỉ làm bằng chứng vận chuyển, không phải chứng từ sở hữu nên không có chức năng chuyển nhượng hàng hóa.
Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về Airway Bill thì hãy tham khảo bài viết chuyên sâu AWB là gì của Tesla Express.
House Bill of Lading (HBL) là gì?
HBL là vận đơn đường biển do forwarder (nhà giao nhận) phát hành cho chủ hàng (shipper). Được dùng trong vận chuyển FCL hoặc LCL, đặc biệt khi sử dụng dịch vụ của forwarder. Trên HBL, shipper là chủ hàng thực tế, consignee là người nhận hàng thực tế. Vận đơn HBL có thể chuyển nhượng được nếu phát hành dưới dạng “To Order”.
Surrendered Bill of Lading là gì?
Surrendered Bill là vận đơn gốc đã được người gửi hàng nộp lại cho hãng tàu tại cảng đi, kèm theo yêu cầu “surrender”. Khi đã surrender, người nhận hàng tại cảng đến không cần xuất trình bản gốc B/L để lấy hàng. Hình thức này giảm rủi ro mất B/L, giúp nhận hàng nhanh hơn, phù hợp cho giao dịch giữa hai bên đã tin tưởng nhau.
Switch Bill of Lading là gì?
Switch Bill là vận đơn đường biển được phát hành lại để thay thế cho vận đơn gốc trong quá trình hàng đang trên đường đi. Loại bill này thường được yêu cầu khi cần ẩn danh tính shipper thực tế và áp dụng trong các giao dịch trung gian (trading). Hãng tàu hoặc forwarder sẽ thu lại toàn bộ bản gốc B/L, sau đó phát hành bộ Switch B/L mới với thông tin đã chỉnh sửa.
Ocean Bill of Lading là gì?
Ocean Bill là thuật ngữ chung dùng để chỉ vận đơn đường biển, thường dùng để phân biệt với các loại vận đơn khác như Air Waybill (AWB)… Ocean Bill có thể là Master B/L hoặc House B/L. Nội dung bên trong cũng bao gồm các thông tin vận tải biển: tên tàu, số chuyến, cảng xếp, cảng dỡ, mô tả hàng…
Clean Bill of Lading là gì?
Clean Bill là loại vận đơn không có ghi chú bất lợi nào về tình trạng hàng hóa. Tức là hãng tàu xác nhận hàng hóa được giao nhận trong tình trạng tốt. Đây là yêu cầu bắt buộc trong thanh toán bằng L/C (Thư tín dụng). Nếu trong vận đơn ghi chú các thông tin bất lợi như “packages torn” sẽ Bill này sẽ thành Unclean/Claused B/L, là loại sẽ không đạt để thanh toán L/C.
Express Bill of Lading là gì?
Express Bill là loại vận đơn không cần bản gốc để nhận hàng, có vai trò như Surrendered B/L, nhưng khác về hình thức. Loại này không phát hành bản giấy, chỉ thể hiện nội dung trên hệ thống hoặc dạng file. Express Bill dùng trong các giao dịch nội bộ, giữa các công ty con hoặc hai bên tin tưởng tuyệt đối. Loại bill này thường ghi rõ: “This is not a negotiable document – Express Release”.
Master Bill of Lading (MBL) là gì?
Master Bill là vận đơn do hãng tàu (carrier) phát hành cho forwarder hoặc người gửi hàng thực tế. MBL dùng trong vận chuyển quốc tế chính thức (FCL/LCL). Trên MBL, bên gửi shipper sẽ là forwarder hoặc người gửi hàng, consignee là bên đại diện hoặc forwarder nhận hàng. MBL thường được các hãng tàu công nhận là BL gốc, phối hợp cùng House B/L để giao nhận hàng.
Telex Bill of Lading (Telex Release) là gì?
Telex Bill là hình thức thông báo điện tử cho phép người nhận hàng lấy hàng mà không cần vận đơn gốc, tương tự Surrendered B/L. Người gửi hàng nộp B/L gốc tại nơi gửi, sau đó yêu cầu hãng tàu gửi “Telex Release” đến nơi nhận. Hãng tàu tại cảng đến sẽ giao hàng dựa trên xác nhận từ hệ thống. Nhanh, tiện lợi, phổ biến khi không cần lưu thông quyền sở hữu hàng.
Lấy Bill Of Lading mẫu ở đâu?
Bạn có thể lấy các mẫu vận đơn mới nhất tại các website của hãng tàu lớn (Maersk, MSC, ONE, CMA CGM…), hoặc đơn giản hơn thì bạn có thể liên hệ Tesla Express để chúng tôi gửi mẫu kèm hướng dẫn điền BL mẫu qua email của bạn.
Trên đây là tổng hợp những thông tin quan trọng nhất về Bill of Lading là gì trong xuất nhập khẩu. Mong rằng bạn đã hiểu được vai trò, nội dung cần có của chứng từ BL, quy trình làm vận đơn đường biển và phân loại cách sử dụng của những loại vận đơn B/L phổ biến nhất hiện nay. Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm về các giấy tờ khác thì hãy tham khảo chuyên mục xuất nhập khẩu của Tesla Express.